Slider

‘Thương lắm miền Tây’ - gắn kết và phát huy giá trị di sản nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ



Tối 25.7, tại sân khấu ngoài trời của Nhà hát Cao Văn Lầu, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với tỉnh Hậu Giang tổ chức chương trình Thương lắm Miền Tây kỳ 2 với chủ đề “Về Bạc Liêu nghe điệu Hoài Lang”.

    Chương trình được tổ chức nhằm góp phần gắn kết các tỉnh thành với nhau, tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, nghệ thuật truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, quảng bá nét đẹp của đất và người miền Tây nói chung, Bạc Liêu nói riêng đến với người dân cả nước.

    Đặc biệt đây còn là dịp khơi dậy khát vọng và tâm huyết vì một Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giàu đẹp như mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

    Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Là sản phẩm văn hóa phi vật thể của Nam bộ, vừa mang tính bác học,vừa mang tính dân gian gắn liền với mọi sinh hoạt cộng đồng dân cư Nam bộ, được cải biên từ nhạc cung đình Huế và sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam bộ.

    Đờn ca tài tử là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, gắn bó với đời sống của người dân Nam bộ, từ những ngày đầu mở đất, là hơi thở, là tiếng lòng, là sức sống mãnh liệt của những con người trọng nghĩa khinh tài, đậm tính nhân văn của vùng sông nước giàu hoa trái và trí dũng miền Nam. Nghệ thuật đờn ca tài tử là một viên ngọc cần được bảo tồn và phát huy, nhằm góp phần tăng thêm sức mạnh văn hoá truyền thống của vùng Nam bộ nói riêng, văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung.

    Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng trình bày các ca khúc: Trăm năm gấm hoa – Đường ra biển lớn.

    Bạc Liêu được biết đến là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ, gắn với tên tuổi cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản Dạ cổ Hoài lang bất hủ. Nghệ sĩ Như Huỳnh đã thể hiện trọn vẹn nỗi lòng chinh phụ chờ chồng qua từng câu hát đắm say lòng người suốt 100 năm qua.


    Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt với Bạc Liêu, là năm thứ 25 kể từ ngày tái lập tỉnh, với nhiều hoạt động đã và đang được triển khai, tạo không khí sôi nổi trong toàn Đảng, quân và dân tỉnh nhà. Chương trình “Thương lắm Miền Tây” kỳ 2 là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện đó.

    Thông qua những âm sắc văn hóa nghệ thuật của chương trình lần này, ban tổ chức chương trình mong muốn quảng bá những hình ảnh thân thương, những giá trị văn hóa về “tình đất, tình người” Bạc Liêu và mong được sự đón nhận của bạn bè, du khách gần xa; góp phần chung tay xây dựng, phát triển vùng ĐBSCL, sớm hiện thực hóa thành công mục tiêu “Đến năm 2030, vùng ĐBSCL là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước” như tinh thần  Nghị quyết số 13-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị thông qua đầu tháng 4 vừa qua.

    Trước đó, Chương trình “Thương lắm Miền Tây” kỳ 1 với chủ đề “Hậu Giang tình đất tình người” đã diễn ra tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang do Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang thực hiện vào ngày 20.6.2022.

    Tin: Gia Anh - Ảnh: Đặng Văn KKD

    NGUỒN: TẠP CHÍ NGƯỜI ĐÔ THỊ

    Không có nhận xét nào

    Đăng nhận xét

    © All Rights Reserved
    Liên hệ: info@quantritruyenthong.com Trang thông tin Truyền thông về Sao Giải trí - Sao Doanh Nhân | Thực hiện và phát triển bởi KKD Tech